Thay vì được nghe những câu chuyện thành công, các bạn trẻ đã được các cựu du học sinh Australia trở về nước chia sẻ kinh nghiệm đối mặt với thất bại, bài học quý giá trong khởi nghiệp, trong kinh doanh và trong cả cuộc sống tại hội thảo Khởi sự kinh doanh – Thất bại là mẹ thành công” do Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức.
Diễn giả của chương trình là ông Nguyễn Quang Thuân (Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Australia năm 2008) và ông Lê Sỹ Giảng (Chuyên gia có trên 13 năm làm việc trong lĩnh vực chính sách thương mại).
Bài học thực tiễn quý giá từ những thất bại
Khi du học tại Australia, thạc sĩ Nguyễn Quang Thuân dành được chút tiền cùng vợ mở trường mầm non. Trường duy trì được khoảng hai năm và thất bại.
Vợ chồng cựu du học sinh thấy giáo dục và trường mầm non ở Australia rất phát triển và nghĩ mình có thể thành công. Nhưng lại không ai trực tiếp làm mà toàn thuê người khác. Bài học rút ra là muốn khởi nghiệp thì phải tự tay làm, kiểm soát tất cả nhất là trong giai đoạn đầu.
“Hơn nữa, khi làm cố vấn cho các dự án khởi nghiệp, tôi thấy mọi người thường đặt ra quá nhiều giả định. Và khi đặt giả định mà không ra thị trường kiểm chứng sẽ dẫn đến thất bại chắc chắn. Khách hàng và thị trường sẽ là người đưa ra câu trả lời tốt nhất. Thế nên, đặt ra giả định phải kiểm chứng từ thực tế”, thạc sĩ Quang Thuân nhấn mạnh.
“Khi tôi bắt đầu, tôi cùng với một người bạn nữa cùng làm. Tôi rất tin tưởng người đó. Khi có những dự án lớn thì chúng tôi xảy ra xích mích và tranh cãi căng thẳng đến nỗi không làm chung được nữa. Chúng tôi đã tách nhau ra làm riêng. Nhưng khi tôi làm lớn hơn, mở rộng nhiều mảng kinh doanh, tôi lại cần đồng nghiệp.
Vì vậy, trong khởi nghiệp, đôi khi đi một mình là tốt nhưng mà đi cùng nhiều người thì sẽ tốt hơn. Và việc chọn bạn đồng hành phù hợp rất quan trọng”, chuyên gia Lê Sỹ Giảng chia sẻ.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thất bại là mẹ thành công và nó mang lại nhiều bài học hữu ích hơn so với ánh hào quang của chiến thắng đối với các du học sinh trở về nước lập nghiệp.
Văn hóa thất bại
Để đón nhận thất bại một cách thông minh, chúng ta cần chuẩn bị thái độ đúng đắn và biết mình phải làm gì sau thất bại.
Đang yên ổn với công việc thu nhập cao ở Australia, Nguyễn Quang Thuân vẫn từ bỏ xứ sở chuột túi để trở về Việt Nam mở công ty giữa “khủng hoảng kinh tế” năm 2008.
Ông Thuân cho rằng khủng hoảng chính là cơ hội thay đổi và “chơi lại ván cờ”. Quang Thuân quản lý một quỹ khoảng 150 triệu đô. Lúc đó, chứng khoán đang khá nổi. Cựu du học sinh Quản trị kinh doanh đã đầu tư chứng khoán và mất 2/3 quỹ.
Theo ông, các du học sinh về nước khởi nghiệp khi thất bại, không được trầm cảm mà hãy nghĩ rằng thất bại là điều đương nhiên có thể xảy ra và chấp nhận nó dễ dàng.
“Thất bại chỉ là điều tạm thời chưa như ý bạn, cần phải được tiếp nhận một cách thông minh hay một cách hạnh phúc vì những thứ bạn có là những tri thức và kinh nghiệm quý giá không phải ai cũng dễ dàng đạt được.
Khi lựa chọn này không thành thì chúng ta có sự lựa chọn khác. Khi một cánh cửa đóng lại sau lưng chúng ta thì sẽ có rất nhiều cánh cửa khác mở ra. Cánh cửa tới thành công sẽ luôn ở đó chờ đón những con người dũng cảm và kiên trì.
Cách nhìn về thất bại thì tùy theo từng cá nhân nghĩ. Vì mục đích sống của mỗi người là khác nhau. Thỏa mãn nhu cầu của bản thân thì được xem là thành công”, cựu du học sinh Australia nói.
Thoát khỏi vùng an toàn của bản thân
Trước khi chúng ta khởi nghiệp, bạn trẻ cần có tâm thế vượt qua vùng an toàn. Định hướng ban đầu trong nghề nghiệp của chuyên gia Lê Sỹ Giảng là làm trong cơ quan nhà nước.
Chuyên gia về chính sách thương mại nghĩ lại về những ngày bắt đầu khởi nghiệp: “Trước đây, tôi có làm trong một cơ quan của Bộ. Sau đó, tôi nhận được lời đề nghị là nếu tôi muốn được thăng chức thì phải bỏ ra một khoản nhất định.
Đứng trước tình huống đó, tôi nghĩ nếu mình bỏ tiền ra thì mình sẽ lên và có thể con đường sẽ sáng. Nhưng nếu làm vậy, tôi sẽ đánh mất chính mình.
Tôi trăn trở nhiều đêm và cuối cùng quyết định mình giữ quan điểm sống của mình và từ chối lời đề nghị thăng chức.
Quyết định đó đi kèm rằng từ đó công việc của tôi cứ nhàm chán vậy thôi. Và tôi lại có một quyết định táo bạo khác nữa là nghỉ việc đang làm để tự làm ngoài”.
Hai diễn giả kết luận: “Bất kỳ ai thành công cũng đều phải trải qua thất bại, cũng như một cái lò xo mà không chịu lực nén thì không thể bật cao được.
Chúng ta phải trân trọng những thứ xảy ra trên con đường của mình, coi đó là những thử thách quan trọng đem lại những bài học quý giá để chúng ta trưởng thành hơn.
Hãy tận hưởng hạnh phúc ngay trên con đường thực hiện ước mơ, khi được làm những việc mình yêu thích một cách đàng hoàng và thanh thản, theo đuổi những giá trị tốt đẹp cho xã hội, cho cộng đồng”.