Tết là dịp để mọi người đi xa trở về, là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau cùng đón thời khắc chuyển giao năm cũ chào năm mới. Đây cũng chính là lúc nỗi nhớ nhà da diết của các du học sinh Việt trên khắp mọi miền đất nước.
Nhớ quê nhà nhưng không dám khóc
Tết đến, dù có bận công việc đến mấy thì bất cứ ai cũng đều mong muốn trở về với gia đình của mình. Cả nhà quây quần với nhau bên mâm cơm cuối năm, đó đã trở thành nét đẹp truyền thống được người Việt duy trì từ xưa đến nay. Nhưng đối với những du học sinh Việt đón Tết tại nước ngoài, đây có lẽ là điều hụt hẫng nhất sau khi kết thúc một năm với nhiều bận rộn, vất vả. Có thể vì lý do bận lịch học, lo lắng vì chi phí đi lại tốn kém hay do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp mà khiến cho nhiều du học sinh Việt không thể trở về quê hương để đón Tết.
Đây là năm thứ 2 phải đón Tết nơi xứ người, Phạm Nhật Hạnh (20 tuổi), du học sinh tại Nhật Bản vẫn luôn nhớ nhung hương vị Tết quê nhà. Một phần vì lịch học, một phần do tình hình dịch bệnh mà năm nay Hạnh lại càng không thể trở về bay về để đón Tết cùng gia đình. Hạnh cho biết, “Khi em sống cách xa gia đình tận hàng trăm ngàn cây số, lại trong tình hình dịch bệnh căng thẳng nên bố mẹ rất lo lắng cho em. Từ khi đi du học, rời xa vòng tay của bố mẹ, em mới cảm nhận rõ được sự chênh vênh, lạc lõng nơi xứ người. Tủi thân là điều không thể nào tránh khỏi đối với một du học sinh, đặc biệt là vào những dịp lễ Tết như thế này. Em vẫn nhớ năm ngoái vào đúng thời khắc giao thừa ở Việt Nam, em đã gọi điện về chúc Tết gia đình. Khi em nhìn thấy mọi người đang quây quần bên nhau, cũng là lúc em nghẹn ngào, nhưng chỉ khi kết thúc cuộc gọi em mới dám rơi nước mắt vì sợ bố mẹ lo lắng.”
Nhật Hạnh cũng cho biết, dù đã là năm thứ 2 đón Tết xa nhà nhưng tâm trạng của em vẫn vậy, vẫn nhớ gia đình da diết, nhớ bạn bè, nhớ món ăn và không khí đặc trưng trong những ngày Tết. Thật may, Hạnh vẫn còn có thêm những người bạn đồng hương, mọi người cùng nhau lên kế hoạch để chuẩn bị đi sắm đồ chào đón một năm mới vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Chung tâm trạng với Nhật Hạnh, Nguyễn Thư (20 tuổi) chuẩn bị đón Tết tại Xứ sở kim chi năm thứ 2 cho rằng, đã là người Việt Nam thì trong máu luôn có tinh thần dân tộc và hướng về quê hương, đất nước. Năm nay cũng giống như năm trước, em và những người bạn của mình sẽ lên lịch đi mua đồ để làm những món ăn truyền thống Việt Nam. Chúng em sẽ tự tay gói cho mình những chiếc bánh chưng xanh dù biết là rất khó khăn để có thể mua được nguyên liệu. Tự tay bày mâm ngũ quả thật thịnh soạn, bao gồm cả xôi, gà, nem, mứt tết,… Em nghĩ đã là truyền thống mà ai cũng đều nhớ đến trong những ngày này.
Tết chỉ trọn vẹn khi được ở bên cạnh gia đình
Đi du học chính là việc mình phải chấp nhận rời xa quê hương để tự lập nơi xứ người. Ngay từ đầu, các bạn du học sinh đã phải chuẩn bị tâm thế trước mọi khó khăn và thách thức, trong đó có cả việc đón Tết xa nhà.
Phương Thảo (20 tuổi) sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Teikyo, Nhật Bản chia sẻ, khó khăn lớn nhất của một du học sinh trải qua là cảm giác cô đơn khi nhìn mọi người ở nhà quây quần bên nhau, bạn bè tụ tập trà chanh chém gió, đặc biệt là vào dịp Tết đến. Mình tin rằng, không chỉ có mình mà trong tâm trí tất cả những bạn du học sinh ở khắp mọi miền đều in dấu hình ảnh Tết Việt.
“Em ở bên Nhật vẫn đón giao thừa, em và các bạn cũng đều thức cả đêm để chuẩn bị, mỗi người một công việc, không khí cũng ấm áp như đang ở Việt Nam. Nhưng có lẽ với em, Tết chỉ trọn vẹn khi được ở bên cạnh gia đình.”, Thảo ngậm ngùi.
Khác với các du học sinh khác, gần 2 năm xa nhà, Phan Văn Duẫn – Du học sinh tại Nhật đã trải qua một cái Tết với nỗi nhớ gia đình nơi xứ người. Duẫn cho biết, tại đất nước mặt trời mọc, mọi người đón năm mới vào Tết Tây, cũng có những món ăn truyền thống như ở Việt Nam. Vì vậy, vào ngày Tết ta mọi người vẫn đi làm như ngày bình thường.
“Với những du học sinh như em thì không chỉ vào ngày Tết mà cả một năm – 365 ngày đều đầy ắp nỗi nhớ nhà. Còn trong những ngày cận Tết Tây, điều mà em nhớ nhất đó là cả nhà làm cỗ vào chiều 30 Tết để chuẩn bị cho buổi tối cúng Tất niên. Những lúc như vậy, em chỉ biết cố gắng học tập, làm việc để có thể vơi đi bớt một phần nhớ nhung đó”, Duẫn nói.
Để cùng chia sẻ nỗi nhớ nhà, nhiều du học sinh Việt tại mỗi đất nước thường lên kế hoạch tổ chức buổi tiệc tất niên như trang trí nhà cửa, tự tay chuẩn bị và làm những món ăn truyền thống để thưởng thức. Đón Tết tại một đất nước khác trong nhiều năm có thể sẽ trở thành thói quen nhưng trong lòng mỗi du học sinh đâu đó vẫn còn nỗi niềm trăn trở, là sự cô đơn, tủi thân, là những giọt nước mắt khi ai đó nhắc đến hai chữ “Gia đình”.
- Hotline: 0879 001 118
- Fanpage: facebook.com/DUHOCTINPHAT
- Youtube: youtube.com/c/TinPhatGroup