Những điều cần biết trước khi du học Nhật Bản
Nhật Bản là một đất nước có rất nhiều nét văn hóa lý thú. Nếu bạn đang nuôi ý định du học Nhật, bạn có thể nên biết một số thông tin thú vị sau:
1. Nước máy tại Nhật có thể uống ngay. Vì không như Việt Nam, hệ thống lọc nước máy của Nhật rất khoa học và bảo đảm. Tuy nhiên, phần lớn người Nhật cho rằng nước máy không ngon và họ thường mua nước tinh khiết đóng chai.
2. Nhật Bản hầu như không mất điện.
3. Nhật Bản là quốc gia duy nhất bạn không lo đói, kể cả giữa đêm khuya: Các quán ăn như Matsuya, Yoshinoya… mở cửa 24 giờ, các cửa hàng tiện lợi (kombini) và một số siêu thị cũng mở cửa 24 giờ, 365 ngày một năm.
4. Nhật Bản là nước an toàn nhất trên thế giới: Bạn có thể đi dạo vào giữa đêm khuya trên một con đường vắng. Người Nhật có thói quen lịch sự là đi cách xa bạn (hoặc lùi sau hẳn, hoặc tiến lên hắn) để không làm bạn lo lắng về sự an toàn cá nhân. Khi vượt ngang nhau họ cũng đánh vòng rất xa để tránh gây phiền về tâm lý cho bạn.
5. Người Nhật mê truyện tranh, bất kể tuổi tác. Lý do: Đi tàu chẳng biết làm gì ngoài đọc truyện tranh giết thời gian
6. Phần lớn người Nhật sử dụng tàu điện làm phương tiện đi lại: Họ đi bộ ra ga, lên tàu, xuống tàu ra khỏi ga và đi bộ tới trường hoặc nơi làm. Tàu điện tại Nhật chính xác từng phút. Điều này khác châu Âu hay Mỹ và tất nhiên là cả tàu hỏa của Việt Nam chúng ta. Một ngày trung bình người Nhật dành 1 giờ đến 3 giờ ngồi trên tàu để đi học và đi làm.
7. Không khí tại Nhật rất trong lành. So với các thành phố lớn của Trung Quốc hay Việt Nam thì Nhật Bản là thiên đường về không khí sạch.
8. Ở Nhật, bạn không lo về vấn đề nhà vệ sinh: Chỉ cần vào bất cứ siêu thị thực phẩm, siêu thị điện máy hay trung tâm thương mại là sẽ có.
9. Ở Nhật không thiếu các công viên để các bạn nghỉ ngơi, thư giãn. Trong mọi khu dân cư đều có công viên.
10. Xe đạp ở Nhật có thể dựng ở siêu thị, cửa hàng. Tuy nhiên, nếu bạn để vào những chỗ cấm để xe, xe bạn có thể bị phạt.Khi bạn mua xe đạp ở Nhật, cửa hàng xe đạp sẽ làm “Đăng ký chống mất cắp” (防犯登録 bouhan touroku = phòng phạm đăng lục) cho bạn với giá 500 yên. Xe bạn sẽ được dán một mã số với thông tin bạn đăng ký. Bạn có thể không làm cũng được.
Nếu bạn không “Đăng ký chống mất cắp” cho xe đạp của bạn, khi xe của bạn bị mất, bị tạm giữ do để sai chỗ thì bạn sẽ khó tìm lại được. Ngoài ra, nếu bạn có đăng ký thì khi cảnh sát chặn lại họ sẽ dễ dàng gọi về trung tâm để xác minh đó là xe của bạn.
Nếu xe bạn bị giữ do để sai chỗ, một giấy báo sẽ gửi về địa chỉ đăng ký (khi bạn làm “Đăng ký chống mất cắp”) của bạn. Bạn đến địa chỉ lưu xe cùng với giấy tờ tùy thân và nộp phạt (3000 yên/xe) rồi lấy xe về. Nếu bạn không có giấy báo (do đã chuyển địa chỉ chẳng hạn) thì lên mạng tra xem khu vực bạn để xe sẽ bị hốt về bãi xe nào và đến đó tìm.
11. Có cần nhiều tiền để sống tại Nhật Bản không? Chi phí du học Nhật có đắt không?
Câu trả lời là “không”. Ở Nhật, ngay cả khi bạn du học tại Tokyo bạn vẫn có thể chi tiêu tiết kiệm. Cụ thể bạn có thể thuê nhà 25,000 yên và tự nấu ăn, tổng chi phí không quá 45,000 yên/tháng.
12. Nhật Bản là xã hội thẳng đứng (縦社会 tate shakai), theo nghĩa là người đi trước (先輩 sempai = tiên bối) có quyền tuyệt đối với người đi sau (後輩 kouhai = hậu bối): Kouhai phải tôn trọng, lễ phép và làm theo chỉ dạy của sempai. Điều này ở mọi nơi, từ trường Đại học, Công ty, chỗ làm thêm, câu lạc bộ,… Thế nào cũng sẽ có người xưng là sempai và đòi nhảy lên đầu lên cổ bạn!
13. Các thành phố lớn của Nhật dùng hệ thống đường ống dẫn ga gọi là “ga thành phố” (都市ガス toshi gasu = đô thị gas) nối trực tiếp đến nhà dân mà không dùng bình. Ở vùng nông thôn thì dùng bình gọi là LP gas (LPガス = eeru pii gasu) nhưng công ty sẽ kiểm tra và thay thường xuyên mà không làm phiền bạn. Khi mua bếp ga, bạn phải kiểm tra cẩn thận xem nhà bạn dùng toshi gasu hay LP gasu vì nếu mua sai sẽ phí tiền đó.
14. Nhật Bản là Nhà nước Pháp quyền, trong đó mọi người đều tuân thủ tuyệt đối pháp luật. Các cơ quan hành chính của Nhật không hề có nhũng nhiễu, hạch sách. Tất cả đều làm việc chuyên cần, mẫn cán và lịch sự. Đó là đức tính trọng danh dự và trách nhiệm của người Nhật.
15. Điện thoại báo cho gia đình biết bạn đã đến nơi an toàn
– Gọi về máy cố định : bấm 00 84 + mã vùng + số cố định, Ví dụ, gọi về Hà Nội mã vùng là “24” bạn sẽ bấm 00 84 24 + số cố định của gia đình bạn.- Gọi về máy di động : bấm 00 84 + số di động (bỏ số 0 đầu tiên). Ví dụ, số di động của gia đình bạn là 090 xxxxxxx thì bạn sẽ bấm: 00 84 90 xxxxxxx.
Chuẩn bị đồ dùng gì khi du học Nhật Bản
Khi chuẩn bị để bắt đầu quá trình du học tại Nhật Bản, chắc hẳn các bạn du học sinh sẽ phải đắn đo, tính toán với những đồ dùng cá nhân cần mang theo để sử dụng trong quá trình đầu tiên sinh hoạt bên Nhật. Chính bởi vì giới hạn số cân nặng hành lý mang lên máy bay nên mang theo những món đồ vật thật sự cần thiết để tránh quá số cân nặng cho phép của hãng hàng không.
Thông thường theo quy định của nhiều hãng hàng không thì số hành lý xách tay cân nặng không quá 7 kg, hành lý ký gửi cùng chuyến bay khoảng 20 kg. Đặc biệt với đồ dùng là chất lỏng phải để trong hành lý ký gửi vì lý do an ninh của chuyến bay.
Điều hiển nhiên khi xuất ngoại là các thủ tục, giấy tờ là ưu tiên hàng đầu cần mang theo. Cụ thể những giấy tờ cần thiết là:
- Hộ chiếu.
- Vé máy bay.
- Nên mang theo ảnh thẻ 3×4 và 4×6 với số lượng dự trữ nhiều, bởi phí chụp ảnh thẻ bên Nhật Bản khá cao.
Không cần thiết mang theo: sổ học bạ, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, chứng minh thư nhân dân vì các giấy tờ này chỉ có hiệu lực tại Việt Nam.
Đồ dùng cá nhân cần thiết khi du học Nhật Bản bao gồm:
- Quần áo: Nếu bắt đầu du học Nhật Bản vào thời điểm mùa xuân hoặc mùa đông thì nên mang theo từ 1-2 chiếc áo ấm vì thời tiết bên Nhật rất lạnh vào thời điểm này. Sau đó bạn có thể mua những chiếc áo ấm tốt hơn tại các của hàng quần áo bên Nhật với giá khá rẻ mà chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, cũng nên mang theo một số lượng vừa đủ mặc các loại quần áo khác, không nên mang quá nhiều vì quần áo được bán tại Nhật với giá cả rất phải chăng.
- Đồ dùng cá nhân: những đồ dùng vệ sinh cá nhân nên được trang bị đủ dùng trong thời gian khoảng 2 tuần để phòng trường hợp bỡ ngỡ trong thời gian đầu sinh sống và học tập tại Nhật. Đồ dùng cá nhân bao gồm: bàn chải, kem đánh răng, lược, móc áo,… Sau thời gian khoảng 2 tuần, các bạn có thể đã hiểu biết rõ hơn về khu vực sinh sống bên Nhật Bản và có thể tự mua thêm.
- Tiền mặt: Nên mang theo tiền mặt khoảng 200.000 Yên, không nên mang theo tiền Việt hoặc USD vì rất khó để thanh toán tại Nhật.
- Thuốc chữa bệnh: để đề phòng khi tình trạng sức khỏe gặp vấn đề với các bệnh như: cảm cúm, sốt, vấn đề về tiêu hóa,… nên mang theo các loại thuốc để điều trị và số lượng đủ dùng trong vòng 2-3 tháng.
- Đồ ăn và đồ uống: Nếu bạn là người dễ thích nghi về khẩu vị thì không nên mang theo đồ ăn hoặc đồ uống gì từ Việt Nam vì bên Nhật nhiều lựa chọn thực phẩm tương đối rẻ. Ngược lại, nếu là người có khẩu vị đặc biệt và chậm thích nghi với những món ăn mới, bạn có thể mang theo một vài món đồ khô từ Việt Nam như: mỳ ăn liền, ruốc,…
- Máy tính xách tay nếu bạn có cũng nên mang theo để phục vụ quá trình học tập. Không mang theo điện thoại và đồ điện 220v từ Việt Nam vì bên Nhật dùng điện 110v, ngoài ra bạn cũng nên trang bị thêm từ điển: Việt Nhật, Nhật Việt hoặc Nhật Anh để có thể dùng lúc cần.
Trên đây là một số đồ dùng cá nhân cần thiết khi du học Nhật Bản mà du học Tín Phát tư vấn giúp bạn có sự chuẩn bị tốt hơn để quá trình đầu tiên khi bước chân đến đất Nhật được thuận lợi.
7 điều nên nhớ khi đi xe đạp tại Nhật
Từ tháng 6/2015, Luật giao thông của Nhật cho phép cảnh sát phạt xe đạp như xe máy và ôtô bằng vé xanh.
Trước đây, ở Nhật các hành vi như: uống rượu bia, không nhường đường người đi bộ, vượt đèn đỏ… sẽ bị phạt. Nhưng từ 6/2015, Luật giao thông của Nhật thay đổi, cho phép cảnh sát phạt xe đạp phạm luật bằng vé xanh.
Đây là cách phạt đơn giản so với thông thường, nên cảnh sát sẽ tăng cường xử lý xe đạp vi phạm.
Trong vòng 3 năm mà nhận hai lần nhận thẻ xanh, thì phải tham dự buổi học về an toàn giao thông với số tiền 5.700 yen, thực chất là tiền phạt vi phạm. Nếu không học sẽ bị tòa án gọi, phạt dưới 50.000 yen.
Để tránh bị phạt khi tham gia giao thông bằng xe đạp, người Việt Nam đang ở Nhật cần chú ý những điểm sau
- Thứ nhất, không uống rượu bia nhiều hơn một lon trước khi đi xe đạp tại nhật.
- Thứ hai, xe đạp hỏng phanh, đèn cần đi chữa ngay.
- Thứ ba, đi trên lòng đường phía bên trái, không đi trên vỉa hè. Chỉ đi trên vỉa hè khi nào đường nhiều ôtô, ít người đi bộ. Khi gặp người đi bộ phải ưu tiên cho họ đi trước, cấm bóp chuông inh ỏi bắt người đi bộ tránh mình.
- Thứ tư, chú ý biển tạm dừng, dù không có ai nhìn mình nhưng có camera phòng trộm, nếu không chú ý có thể đâm vào ai đó. Phải thường xuyên nhìn gương cầu.
- Thứ năm, đi xe đạp tại Nhật không được phóng nhanh.
- Thứ sáu, điều cơ bản, đi xe đạp tại Nhật phải đi bên trái.
- Cuối cùng, nếu có điều kiện, hãy mua bảo hiểm xe đạp khoảng 500 yên/tháng.