Vượt qua động đất, sóng thần, bom nguyên tử… những công trình này vẫn đứng vững trước những thử thách dữ dội nhất để trở thành biểu tượng thần kỳ của hy vọng và hòa bình.
- Cổng một cột “torii” ở Đền Sanno
Đền Sanno, ở tỉnh Nagasaki có cổng một cột “torii” (dựng ở lối vào của đền, coi như điểm phân cách giữa thế giới trần tục và thế giới linh thiêng) được người dân Nhật xem là biểu tượng cho sự hồi sinh của nước Nhật sau chiến tranh. Cây cột này đã đứng vững sau vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki năm 1945.
Đền Sanno nằm cách trung tâm vụ nổ 800m. Giữa quang cảnh đổ nát khắp chung quanh, cây cột của đền Sanno nổi bật lên. Cây cột đã bị quay 30 độ trên đế vì sức nén của quả bom, nhưng bằng một cách “thần kỳ”, nó không đổ sập xuống mà vẫn đứng vững cho tới tận hôm nay, trở thành một chi tiết kiến trúc mang tính biểu tượng đối với người Nhật.
2. Những cây cối sống sót trong đền Sanno
Những cây này cũng được xem là biểu tượng cho sức sống bền bỉ và sự tái sinh ở đất nước Nhật Bản đấy. Đặc biệt, hai cây long não trong đền từng bị cháy sém, rụng hết lá do ảnh hưởng từ quả bom, tưởng rằng hai cây này rồi sẽ chết khô nhưng cả hai cây đã sống và xanh tốt trở lại, vẫn đứng vững trong sân đền cho tới hôm nay.
Năm 1969, một trong hai cây đã chính thức trở thành đài tưởng niệm. Những phần bị cháy sém của hai cây đều đã hồi sinh, phát triển bình thường trở lại. Dù quang cảnh khắp một vùng chung quanh từng chứng kiến sự đổ nát, tàn phá, nhưng riêng sân đền Sanno lại chứng kiến những “kỳ tích” không lời.
Cây thông này đã sống sót sau trận sóng thần xảy ra ở Nhật Bản năm 2011. Khi thảm họa kép động đất – sóng thần xảy ra ở Nhật hồi tháng 3/2011, cả một khu rừng ở quận Iwate (vùng Tohoku, đảo Honshu) đã bị xóa sạch. 70.000 cây chỉ còn lại một cây duy nhất, người ta gọi cây duy nhất còn bám trụ lại vào đất là “cây thông thần kỳ”.
Sau khi thảm họa xảy ra, cây thông đã được báo chí Nhật Bản và quốc tế nhắc đến như một biểu tượng của sự sống bất diệt. Cây thông đã sống thêm được 18 tháng trước khi chết dần vì độ mặn trong đất quá cao (do ảnh hưởng từ trận sóng thần). Trong vòng đời 173 năm tồn tại, cây thông đã sống sót trải qua 3 trận sóng thần (1896, 1933, 2011).
Khi cây thông chết, người ta đã cắt hạ cây để bảo quản. Năm 2013, cây được đem trồng trở lại và mang ý nghĩa như một đài tưởng niệm.
3. Mái vòm bom nguyên tử ở Hiroshima
Mái vòm bom nguyên tử ở Hiroshima được xem là một biểu tượng của hòa bình. Trong vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945, tòa nhà này chỉ nằm cách trung tâm vụ nổ bom 160m, tòa nhà đã bị hủy hoại nặng nề, nhưng nó không đổ sập. Khắp một vùng đổ nát chung quanh, tòa nhà này là công trình duy nhất còn đứng vững.
Ban đầu, người ta đã lên kế hoạch phá hủy công trình bị hư hại này, nhưng sau đó, xét tới kết cấu vẫn còn khá bền vững của công trình, người ta đã hủy kế hoạch phá bỏ công trình. Giờ đây, công trình trở thành một đài tưởng niệm nằm trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. Năm 1996, công trình được xếp hạng Địa danh Di sản Thế giới UNESCO.
4. Đền Horyu-Ji ở Ikaruga, tỉnh Nara, Nhật Bản
Đền Horyu-Ji là công trình được xây dựng bằng gỗ lâu đời nhất tại Nhật Bản, công trình đã vượt qua 46 trận động đất. Đền Horyu-Ji được xây dựng từ năm 607 cũng đồng thời là một trong những công trình bằng gỗ lâu đời nhất thế giới. Năm 1993, đền đã được xếp hạng Địa danh Di sản Thế giới UNESCO.
Với lối kiến trúc có nhiều nét riêng độc đáo để thích nghi với điều kiện địa lý, khí hậu của Nhật, đền Horyu-Ji đã đứng vững vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, đặc biệt là những cơn địa chấn xảy ra khá thường xuyên ở Nhật.
Nghiên cứu những cột gỗ của công trình, người ta nhận ra rằng những cột gỗ này còn có niên đại lâu hơn công trình tới gần một thế kỷ, nghĩa là gỗ đã được đốn hạ từ khá lâu trước khi người ta bắt tay vào xây đền.