fbpx
Banner top

Những cám dỗ với du học sinh khi đi du học Nhật Bản

19/03/2020 983 lượt xem

Nhiều học sinh và ngay cả phụ huynh khi chuẩn bị cho con em mình đi du học Nhật Bản vẫn chưa thể hình dung rõ ràng về cuộc sống, học tập của con em mình khi sang Nhật. Nhiều người vẫn rỉ tai nhau về một cuộc sống màu hồng khi du học ở Nhật, rằng đi du học Nhật Bản “Vừa có bằng cấp, vừa có nhiều tiền và sau này sẽ xin việc vào làm tại các công ty Nhật Bản. Để cuộc đời của con mình không nhọc nhằn như cuộc đời của mình nữa.

Bằng chính trải nghiệm thực tế, sự đồng cảm và việc bản thân mỗi ngày được trò chuyện, trao đổi, hỗ trợ học sinh của chính mình khi tới Nhật Bản du học, xin chân thành được chia sẻ lại những thông tin hữu ích khi đi du học để các phụ huynh & bản thân các em học sinh có thể chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết trước khi đi du học.

Đi du học Nhật Bản, ngoài việc mở mang kiến thức, trau dồi thêm một ngôn ngữ mới, tích lũy một số tiền khi đi làm thêm, học tập được thêm nhiều nét văn hóa mới lạ, đặc sắc của đất nước tiên tiến Nhật Bản. Thì bên cạnh đó không thể tránh khỏi được những cạm bẫy, cám dỗ khi đi du học. Nhất là những cám dỗ ấy lại thường xuyên xảy ra khi các em còn quá nhỏ, chưa hiểu hết được cuộc sống trên thế giới này. Hi vọng từ chính những thông tin này, các em có thể chọn lọc sắp xếp cuộc sống của mình tốt hơn, và không lỡ lầm phạm phải những cám dỗ đó.

1. Cạm bẫy của du học Nhật Bản đầu tiên phải kể đến là – các em học sinh Làm thêm quá nhiều

Phải thực lòng mà nói, các em học sinh được sinh ra trong gia đình khá giả có nhu cầu du học luôn chọn các nước Châu Âu để đi du học, chẳng hạn như Anh, Pháp, Mỹ… Còn đa số các em du học sinh chọn du học Nhật Bản, phần lớn là sinh ra và lớn lên tại các làng quê nghèo, bố mẹ có mức thu nhập thấp. Và bản thân các em trong suốt 18 năm trời ăn học, các em đều sống phụ thuộc vào cha mẹ, chưa biết kiếm tiền là gì. 

Đi du học Nhật Bản, chính Phủ Nhật Bản luôn có chính sách hỗ trợ các em có cơ hội vừa học vừa làm khi sang tới Nhật Bản. Tại Nhật, tiền công làm thêm tính theo giờ, trung bình các em có thể kiếm được 160 – 240.000 vnđ/giờ. Con số này, bằng cả một ngày lao động vất vả cực nhọc của cha mẹ ở quê. Số tiền này, bản thân các em trước đó cũng chưa bao giờ cầm nắm được. Chính điều đó, đã thôi thúc các em lao đi làm thêm để mong kiếm được nhiều tiền, để gửi về phụ giúp gia đình và trả nợ khoản vay đi du học, cũng như trang trải những chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật Bản. Điều này đã khiến các em tặc lưỡi bỏ qua việc học hành, lao vào đi làm thêm. Bản thân chính các em thời gian đầu qua Nhật cũng bị áp lực rất lớn từ số tiền nợ vay để đi du học. 

Nhưng thực tế, thời gian học của du học sinh luôn vào ban ngày. Ngày tới lớp, ban đêm các em lại tất bật đi làm thêm cho đến tận sáng hôm sau. Nhiều em đi làm về khuya, không còn tàu, đành phải ngủ lại ở nhà ga để chờ tàu vào sáng hôm sau trở về và lại tiếp tục đi học. 

Để kiếm được một khoản tiền đủ trang trải chi phí thì các em phải đi làm thêm rất nhiều. Đã có rất nhiều bạn học sinh, vì áp lực nợ nần từ quê nhà nên các em phải làm hơn 3 ba việc/1 tháng. Một ngày với 4 tiếng học tập ở trên lớp, rồi lại hì hục làm việc 6 đến 8 tiếng ở các xưởng, các nhà hàng… Cho nên các em lao đi làm mà quên rằng sứ mệnh đi du học của mình là học tập.

Chính vì lịch học tập và làm việc thiếu khoa học này, với một đứa trẻ 18 tuổi, thì hẳn là đã kiệt sức. Thời gian đến lớp thực chất chỉ là thời gian để điểm danh và ngủ bù vì đi làm quá nhiều vậy thử hỏi thời gian đâu để các em học tập? Và nếu như không đến lớp học đầy đủ thì cơ hội xin Visa cho năm tiếp theo gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian vừa qua, rất nhiều du học sinh phải về nước hoặc bỏ trốn vì không thể gia hạn visa vì đi làm thêm quá nhiều. 

Khi còn ở nhà thì mọi việc đều đã có cha mẹ, còn khi sang tới Nhật Bản mọi việc đều tới tay các em. Từ tự lo cơm nước, hóa đơn, tiền tiêu dùng sinh hoạt,… Thử hỏi ở độ tuổi này, các em đã thực sự giỏi trong việc chi tiêu và lo toan việc hằng ngày chưa? Đối với học sinh nước ngoài, đây là một việc rất bình thường, vì các em được đào tạo trong những môi trường, mà ở đó người ta dạy cho các em cách sống tự lập từ nhỏ. Nhưng ở Việt Nam chúng ta thì sao? Các em được gia đình bao bọc và chưa được học nhiều những kỹ năng tự lập, các em được học quá nhiều về lý thuyết mà chưa bao giờ được học một bài học sinh tồn đúng nghĩa.  

Vì vậy, qua chia sẻ này các em phải hiểu được nghĩa và mục đích thực sự của việc đi du học Nhật Bản. Chúng ta đi học, học để có tri thức, để có nền tảng kiến thức để phát triển sau này. Chúng ta đi làm thêm là để trang trải học phí, không phải là hì hục kiếm tiền tạm thời trả nợ để rồi đánh đổi tương lai sau này.

Hãy thu xếp thời gian khoa học, các em chỉ cần học tập thật tốt, làm thêm vừa phải, tiết kiệm để vừa đủ trang trải học phí và tiền ăn ở tại Nhật. Thời gian vừa học vừa làm theo chính phủ quy định cũng là đủ để cho em có thể trang trải cuộc sống học tập của du học sinh. Đừng suy nghĩ tới việc đi du học để làm giàu, để gửi thật nhiều tiền cho cha mẹ, như vậy là các em đang hủy hoại chính tương lai của mình đó. Hãy để “Du Học” theo đúng nghĩa của nó. Hãy xây dựng một tương lai vững chắc bằng con đường học tập thực sự, chứ đừng đi bán tuổi thanh xuân, bán sức khỏe khi nghe rằng du học Nhật Bản.  

Về việc đi làm thêm, các em còn bị cám dỗ đồng tiền, dẫn đến tình trạng bỏ học, trốn ra ngoài đi làm thêm. 

Lý do bỏ học rất nhiều như: Đi làm thêm quá nhiều, học không được, nghe bạn dụ dỗ,… để rồi các em bỏ ra ngoài. Việc này là tự dồn mình vào bước đường cùng, vì ở Nhật Bản các công ty không tiếp nhận những người lao động bất hợp pháp đã hết hạn visa. Do vậy, khi trốn ra ngoài, các em không thể xin được việc làm thêm tại các xưởng. Đến mức đường cùng chính là phải đi ăn trộm tại các siêu thị, để có tiền trang trải chi phí và gửi tiền về nhà. Từ năm 2014, tỷ lệ du học sinh Việt Nam phạm tội trộm cắp lên vị trí số 1 so với du học sinh các nước đang theo học tại Nhật Bản như: Trung Quốc, Philippin, Hàn Quốc,…

Đột quỵ vì đi làm quá nhiều

Nhiều bạn đi làm thêm quá nhiều, có những bạn một ngày chỉ ngủ được 1-2 hai tiếng. Có những bạn làm thông qua 3-4 ngày không ngủ. Bù lại, các bạn lại không chịu ăn uống hoặc có ăn uống thì chỉ là ăn tạm bợ, để kịp thời gian đi làm. Nhiều em đi làm về mệt, vào nhà tắm rồi ra đắp chăn đi ngủ. Sáng hôm sau bạn bè gọi dậy đi học, thì em đã chìm vào giấc ngủ mãi mãi ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. 

Do vậy, các em đừng quá lao vào việc kiếm tiền. Vẫn biết rằng, trên vai các em còn quá nhiều áp lực và tiền bạc. Nhưng chẳng lẽ các em lại đánh đổi cả một cuộc đời để lấy lại sự khổ đau cho cha mẹ cho gia đình cho bạn bè hay sao?

2. Cám dỗ thứ  2 – Cám dỗ về tình cảm

Khi sang tới Nhật Bản, các em sống trong một môi trường hoàn toàn xa lạ và cô đơn, nhớ nhà là điều hoàn toàn đương nhiên. Khi sống xa gia đình, các em không còn được sự giáo dục quản lý chia sẻ và tâm sự của cha mẹ thường xuyên. 

Các em sống với một cuộc sống tự do, không ai quản lý. Vì vậy, các em rất dễ dàng sống với bản năng của mình. Nhiều bạn trẻ vì quá cô đơn, nên đã làm quen với các bạn khác giới và về sống thử. Cũng chính điều này gây ra nhiều hệ lụy khôn lường như mang thai ngoài ý muốn khi chưa kết hôn, kinh tế eo hẹp… phải nghỉ học, rồi bị trục xuất về nước.

Không phụ huynh nào muốn con cái của mình phải làm cha mẹ ở tuổi 18, 19… điều đó là đồng nghĩa với việc các em đã mất đi tương lai tốt đẹp sau này. Đây là điều không một ai muốn xảy ra. Những chia sẻ này đơn giản là mong các bậc cha mẹ & các em có thể lường trước hậu quả đáng tiếc và tránh xa để các con không bị vướng phải cám dỗ này.

Cuộc sống xa gia đình khá vất vả và cô đơn, nhưng nhiều em học sinh vì không muốn cha mẹ mình lo lắng, nên dù khó khăn đến mấy, trong mỗi cuộc điện thoại về nhà các em vẫn nói: Cuộc sống của con rất tốt!

Ở nhà thì cha mẹ vẫn cứ đinh ninh rằng con cái của mình sống ổn, mà không biết mọi việc thế nào. Cho đến khi có chuyện xảy ra thì đã quá muộn. Vì vậy, đê có thể theo dõi con cái của mình sát sao hơn, cha mẹ ở nhà hãy đừng chỉ có số điện thoại của con, mà hãy có cả số điện thoại của bạn cùng lớp, cùng phòng, số điện thoại của đại sứ quán phòng khi có việc gấp. Nếu có thể, phụ huynh hãy dùng mạng xã hội để rảnh rỗi nói chuyện với con cho đỡ tốn kém & đôi khi là theo dõi cuộc sống của con thế nào nhé!

3. Cám dỗ thứ 3 mà các em nên tránh xa đó là Các tệ nạn

Ở Nhật Bản có một số ít các bạn trẻ rủ nhau dùng ma túy đá. Có nhiều học sinh đã sa vào và phải về nước vì không thể tiếp tục học tập. Nạn cờ bạc, lô đề cũng vậy, nhiều học sinh rủ nhau đánh bạc thâu đêm quên việc phải lên lớp. Các em phải thật tỉnh táo để không bị cuốn vào những tệ nạn này nhé! 

Chính các em cũng hiểu, để có thể em sang tới Nhật Bản, bản thân đã phải trải qua một quá trình rất gian nan. Vì thế, các em đừng để mình xa vào những tệ nạn đó, đừng để những công sức, cố gắng đã làm để đi du học của bản thân và bố mẹ đổ sông đổ biển. Tiền mất, tật mang, lúc ấy mọi thứ đã đi quá xa, phải mất rất nhiều thời gian tiền bạc để lấy lại & đôi khi là không quay đầu được nữa. Điều này thực sự không đáng phải không?

4. Lừa mua điện thoại để lấy thông tin đăng ký

Nhiều bạn trẻ khi mới sang Nhật Bản, mong muốn có được ngay một chiếc điện thoại để liên lạc với gia đình. Nhiều em vì nhẹ dạ cả tin & không có nhiều năng lực tiếng Nhật đã gửi thông tin của mình cho một người lạ đi đăng ký điện thoại. Họ đã lấy thông tin của các em đăng ký nhiều máy và nhiều số thuê bao, cuối tháng hóa đơn thanh toán tiền điện thoại, lên tới con số hàng trăm nghìn yên khiến nhiều em không thể thanh toán nổi.

Nhiều em vì không có tiền để trả nên phải về nước để trốn nợ. Ngoài tiền điện thoại, các em rất dễ bị lừa tiền tìm nhà. Chân ướt chân ráo sang, các em rất dễ bị những kẻ xấu lợi dụng trong việc thuê nhà với chi phí cao và bị móc túi hàng tháng.

6. Trộm cắp tại siêu thị, Trốn vé tàu điện…

Ở Nhật Bản, các siêu thị, hàng quán hầu như không có nhân viên trông đồ. Vì vậy, việc lấy đồ tại siêu thị quá dễ dàng mà lại không phải vất vả, nên nhiều em đã nảy sinh lòng tham tức thời đi ăn trộm. Hay khi tàu điện, người  Nhật luôn tự giác chấp hành việc mua vé, không ai kiểm tra soát vé vì có quá nhiều người trên tàu, nhưng có nhiều em học sinh lợi dụng việc này & đôi khi vì tiếc tiền đi tàu đã trốn vé. Để rồi khi công an bắt được thì các em bị điều tra và cho về nước. Khi đã phạm pháp tại Nhật Bản, đồng nghĩa các em sẽ mãi mãi không bao giờ quay lại được nữa.

Người Nhật luôn đề cao tính trung thực, đây được xem là tính cách ngấm vào máu của người dân nước Nhật, vì vậy, khi tới đây, các em hãy học tập tính cách này của người Nhật & tuân thủ đúng luật pháp của nước họ nhé! Đừng vì vài đồng mà mất đi danh dự của mình, mất đi cơ hội học tập ở một nước phát triển như Nhật Bản.

5. Buôn bán đồ đã đi ăn trộm được

Cũng chính vì mức lợi nhuận cao, nên nhiều em đã chấp nhận lấy hàng từ những bạn chuyên đi lấy đồ trong siêu thị để mang về bán lại kiếm lợi nhuận. Khi những người ăn trộm đồ bị bắt, công an Nhật Bản sẽ tiến hành điều tra cả những ai tiêu thụ mặt hàng lấy trộm, khi đó họ sẽ bắt cả những người tiếp tay buôn bán mặt hàng đó.

Các em nhớ rằng mạng xã hội ở Nhật luôn có cảnh sát theo dõi. Chình vì vậy, các em không nên buôn bán hoặc giao du với những thành phần không tốt. Nếu bán đồ đi ăn trộm là đồng nghĩa với việc các em đang bán rẻ tương lai của mình nhé các em.

6. Cám dỗ vật chất

Nhiều bạn mới sang Nhật rất muốn sở hữu những chiếc điện thoại đắt tiền và mới nhất nên đã phải đi làm thêm rất nhiều để có được những chiếc điện thoại trả góp với lời mời chào là máy được cho không. Nhưng thật ra đây là điện thoại trả góp, hàng tháng các em phải trả thông qua thẻ ngân hàng. Chúng ta nghiễm nhiên trở thành người phải mang nợ. Thay vì đó, các em nên tìm cho mình chiếc điện thoại mà chi phí là tối ưu nhất. Các bạn hãy tự động viên nhau, nên chi tiêu và mua sắm những thứ đồ dùng phù hợp với mình. Đừng quá lãng phí vào những món đồ xa xỉ và đắt tiền các em nhé!

7. Đánh Nhau

Tại Nhật các em sẽ được tiếp xúc với các bạn đến từ nước khác, các nền văn hóa khác nhau. Ngay cả khi đi làm thêm, có nhiều ông chủ khó tính, hoặc bạn làm không hợp tác. Vấn đề xung đột về văn hóa rất dễ xảy ra. Do vậy, khi các em có xích mích với các bạn nước khác, các em cần giữ bình tĩnh và nên tránh. Nếu các em vi phạm đánh nhau là sẽ bị đuổi về nước, dù đó là đúng hay sai.

Thời gian vừa qua, có nhiều vụ người Việt chém nhau, đánh nhau, gây lộn. Cho nên các em cần chú ý điều này để không phải về nước khi thời hạn visa vẫn còn.

8. Xin visa tị nạn

Nhiều em vì có một số lý do, không gia hạn tiếp được visa. Được bạn bè giới thiệu chuyển sang Visa tị nạn để đi làm thêm. Nhưng theo quy định luật pháp của Nhật Bản, thì trong thời gian xin visa tị nạn người xin visa không được phép đi làm thêm. Nếu vi phạm điều này mà bị công an bắt được, sẽ bị buộc vì nước ngay lập tức. Trong trường hợp nếu đây là một đường dây mà họ phát hiện chuyên chạy visa tị nạn, thì họ sẽ bắt lại để điều tra. Luật pháp ở Nhật rất nghiêm khắc do vậy khi đã phạm pháp thì không thể xin được!

Đừng nghĩ mang nhiều tiền về cho cha mẹ là điều tốt nhất. Cái mà cha mẹ hy sinh cả cuộc đời và dành cho các bạn, đó chính là mong muốn các bạn thành công, các bạn là một người tốt, một người có ích cho chính cuộc đời của các bạn và cho xã hội.  Các bạn chưa làm cha, làm mẹ cho nên các bạn chưa hiểu được cái cảm xúc, khi mà cha mẹ được mọi người ghi nhận là nhà đó có đứa con học giỏi, chăm chỉ, thành đạt. Điều đó hạnh phúc hơn gấp trăm, vạn lần những đồng tiền mà các em đưa cho cha mẹ. Vì vậy, hãy biết quý trọng sức khỏe, biết sắp xếp thời gian công việc học tập và làm thêm một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, mong rằng nhiều phụ huynh đừng áp lực tiền bạc cho các em. So sánh các em với những bạn khác. Nhiều khi chỉ những câu nói bâng quơ ấy, chính điều đó đã đẩy các em ngã vào vòng đời khắc nghiệt. Chúng còn quá non nớt, quá ngây thơ và dễ làm theo bản năng, không suy nghĩ thấu đáo. Hãy động viên cho con em chúng ta những khát khao, hoài bão nhất là khi đi xa nhà nhé!

Qua bài viết này, cũng mong rằng các bậc phụ huynh sẽ hiểu hơn cuộc sống thực tế của các em nơi phồn hoa đô thị. Chỉ có con đường “học tập”, là con đường nhanh nhất để đi tới thành công và để xây dựng một cuộc đời mới với những tương lai tươi sáng hơn. 

Ba mẹ chính là nguồn năng lượng tốt nhất, tiếp sức cho các em mỗi ngày, hãy cùng Tín Phát chia sẻ,  động viên, định hướng cho các em đi được những con đường mà các em đã lựa chọn & một người bạn đồng hành luôn lắng nghe tâm sự của các em trong hành trình du học của các em.

Lời kết – lời khuyên cho các em chuẩn bị trước khi đi du học Nhật Bản

Hãy học tiếng Nhật thật tốt trước khi sang, rèn luyện một sức khỏe thật tốt, đi bộ thật nhiều thật nhiều, rèn luyện những thói quen, tác phong văn hóa, người Nhật và đặc biệt hãy nắm pháp luật Nhật Bản đối với người ngoại quốc.

Ngoài học tiếng, các em cần học cách sống trong cộng đồng. Học cách sẻ chia, cho đi những thứ mình có, hiếu thảo với cha mẹ, học cách làm người sống có ích cho bản thân gia đình và cho xã hội…

Nếu các có những băn khoăn, những khó khăn & những câu hỏi chưa có câu trả lời thì hãy cùng tâm sự cùng Du Học Tín Phát để được chia sẻ, giải đáp thắc mắc & hỗ trợ tận tâm nhất nhé! Chúc các em có một hành trang thật tốt trước khi lên đường. 

Chia sẻ:
Icon Support Icon Zalo Icon Phone
Verified by MonsterInsights
Yêu cầu tư vấn
https://789bethv.com/ https://789bet.house/