fbpx
Banner top

Du học sinh, Bạn có đang ổn không?

13/05/2018 575 lượt xem

Trầm cảm của du học sinh là một cuộc chiến nội tâm mà người ngoài ít khi biết được, nhất là nơi đất khách quê người, thiếu vắng bạn bè và người thân.
Một trong những cảm giác mà các du học sinh ít nhiều đã từng trải qua, đó là sự hoài nghi về quyết định đi du học của mình. Thử nghĩ mà xem, trong khi bạn bè nơi quê nhà đã làm nên ông này, bà kia, yên bề gia thất, hầu bao rủng rỉnh, thì mình vẫn phải cắm mặt đi học, thời gian rảnh thì đi chạy bàn kiếm vài đồng xu lẻ. Cái tuổi 30 càng đến gần, thì một nỗi lo sợ mơ hồ lại càng xâm chiếm.
Có người khi mới đi du học chỉ dự tính ở nước ngoài khoảng 2-3 năm thôi, nhưng rồi kế hoạch thay đổi, hoặc là đổi ngành, hoặc là đổi nghề, chớp mắt đã 8-9 năm xa nhà. Mà cuộc sống của du học sinh là cuộc sống vô định, chưa biết tương lai thế nào, nhỡ đâu học xong chính phủ lại đổi luật thì công toi, phải bắt đầu lại từ đầu. Nghề nghiệp cũng vậy, rất ít doanh nghiệp nước ngoài chịu tuyển du học sinh làm full time vì giấy tờ rắc rối – đa số công việc đều ưu tiên cho thường trú nhân hoặc công dân mà thôi.

Tôi có những người bạn, sau khi học xong đã quyết định về lại Việt Nam vì cảm thấy ngôn ngữ là một trở ngại quá lớn cho việc tìm việc đúng ngành. Vì nói gì thì nói, trừ phi bạn sinh trưởng ở nước ngoài, hay học trung học ở trường quốc tế, tiếng Anh của bạn không thể nào sõi như người bản địa được. Ngay cả khi bạn đạt IELTS 8.0, 9.0 thì thứ tiếng Anh mà bạn sử dụng vẫn là tiếng Anh đã được “chuẩn hoá” để dạy cho người nước ngoài. Bạn vẫn thiếu mất cái cultural insight của người bản địa, vốn rất quan trọng trong những công việc liên quan đến khoa học xã hội, truyền thông hay thậm chí kinh doanh.
Những người chọn ở lại sau khi học xong, phần đông họ phải chấp nhận làm công việc trái ngành, mà phổ biến nhất vẫn là các công việc nhà hàng-khách sạn hoặc bán lẻ.
Nhưng ở Úc hay Mỹ có một cái rất hay, là dù bạn làm việc trong ngành nào, dẫu công việc có “tầm thường” tới đâu mà được trả đúng mức lương cơ bản, thì bạn vẫn có thể sống đủ, sống tốt. Chính vì thế nên với nhiều người Úc, họ không lấy nhà cao cửa rộng làm mục tiêu của đời mình, mà theo đuổi những đam mê của bản thân. Có những nghệ sĩ ban ngày đi làm bồi bàn để đêm đến có thể cháy hết mình trên sân khấu. Có những cặp vợ chồng nổi hứng nghỉ việc bất tử để cùng gia đình khám phá nước Úc bằng xe van trong suốt một năm. Có những bác sĩ đóng cửa phòng mạch mấy tháng để đi khám bệnh từ thiện ở những nước nghèo.
Và các du học sinh cũng vậy. Một khi đã xác định được mục tiêu sống của mình, thì dù có phải dành thời gian sống ở nước ngoài 5 năm hay 10 năm, thì cũng không có gì phải hối hận.
Trong tuần qua, một người bạn của tôi đã tự tử vì trầm cảm. Anh theo gia đình qua Mỹ định cư cách đây mấy năm. Dù đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, nhưng qua Mỹ anh vẫn học lại community college. Xem như làm lại từ đầu!

Từ ngày qua Mỹ, anh như biến thành một con người khác. Từ dáng vẻ thư sinh mảnh khảnh, anh bắt đầu tập gym, cạo đầu, xăm hình, và học thêm tiếng Anh, tiếng Mễ. Nhưng bản tính của anh vẫn không đổi, vẫn là con người hoạt bát, lạc quan và không ngừng học hỏi. Anh vẫn hay chia sẻ trên Facebook mỗi khi mình được Employee of the Month, hay được nhận học bổng từ trường. Nghe nói mỗi ngày anh chỉ ngủ 3 tiếng.
Trước ngày anh mất, dòng status cuối cùng anh đăng trên Facebook chính là lời bài hát In the End của Linkin Park: “I tried so hard, and got so far. But in the end, it doesn’t even matter. Goodbye.” Mọi người cứ nghĩ đó chỉ là một bài đăng vô thưởng vô phạt, nhưng đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Một cô bạn người Mỹ viết trên tường của anh rằng, “Tớ ước gì mình đã nhìn thấy dòng status này sớm hơn, để có thể nhắc nhở cậu rằng cậu là một con người rất tuyệt vời và xuất chúng. Tớ không hề biết cuộc chiến nội tâm mà cậu đang phải một mình đối mặt, nhưng tớ biết cậu đã rất mạnh mẽ. Yêu cậu!”

Vâng, trầm cảm là một cuộc chiến nội tâm mà người ngoài ít khi biết được, nhất là nơi đất khách quê người, thiếu vắng bạn bè và người thân. Có những người đi học, đi làm tối mắt tối mũi, không có thời gian cho bản thân, rồi bị trầm cảm lúc nào không hay biết. Khi nhìn thấy những thành quả của du học sinh, những người trong nước có thể tán dương hay ganh tỵ, nhưng họ nào biết những thứ mà anh đã phải đánh đổi? Như một người bạn của anh đã nói: “Nhìn thấy thành công của em, mọi người và mình chúc mừng, khen ngợi em. Nhưng có lẽ cái em cần chỉ là câu nói: “mọi chuyện có ổn không, em làm nhiều vậy có mệt không…” Giá như chúng ta tinh ý hơn thì có lẽ em đã không tự làm như vậy.”
Đôi khi, những gì chúng ta thấy trên mạng xã hội, hay qua những cuộc đối thoại hàng ngày, chỉ là những lát cắt của một con người. Họ có thể chọn cho thế giới thấy những mặt tích cực, lạc quan, yêu đời. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, biết đâu đấy họ đang phải chống chọi với những dằn vặt nội tâm, với những ẩn ức xa xứ mà đôi khi chính họ cũng không giải thích được. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ câu chuyện này, để mong các bạn đang ở trong tình cảnh tương tự, hãy tự hỏi bản thân, “Mình có ổn không?”, và rồi hãy quay sang những người bạn khác, đang học tập, làm việc và sinh sống nơi xứ người, và hỏi họ rằng, “Bạn có ổn không?”

Chia sẻ:
Icon Support Icon Zalo Icon Phone
Verified by MonsterInsights
Yêu cầu tư vấn